GIỚI THIỆU SÁCH NHỮNG BẬC HIỀN NHÂN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Trong lịch sử nước nhà có nhiều tấm gương hiền nhân. Đó là những con người ngoài tài năng xuất chúng, tấm lòng nghĩa đảm, có những đóng góp to lớn cho sự cường thịnh của đất nước về các mặt văn hoá, xã hội, mở rộng bờ cõi, đào tạo nhân tài, có một ảnh hưởng lâu dài trong lòng người về lòng trung quân, ái quốc. Ở họ nổi bật hơn hết là dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ được tâm hồn trong sáng, biết dùng tài năng của mình để cống hiến cho đất nước, giúp cho Đại Việt có một vị thế xứng đáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Cuốn sách Những bậc hiền nhân trong lịch sử Việt Nam do nhóm Trí thức Việt biên soạn, được nhà xuất bản Hồng Đức phát hành năm 2019 đã giới thiệu có chọn lọc một số hiền nhân trong các triều đại có ảnh hưởng lớn, giúp cho dân tộc Việt Nam có diện mạo như ngày hôm nay.

Tết vừa rồi có bạn nào chơi Cổ Nhơn không à? À có, Trong mùa Cổ nhơn tết Quý Mão vừa rồi có một câu thai nói về Chu Văn An. Thế có bạn nào biết Chu Văn An là ai không? À không, có bạn biết bạn không. Bây giờ chúng ta hãy cùng đọc cuốn sách này để tìm hiểu về Chu Văn An nhé.

Chu Văn An tên hiệu là Tiều Ẩn người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa". Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời vào làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám để dạy Thái tử học. Ông đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn tham gia vào công việc củng cố triều đình lúc đó đang đi dần vào con đường khủng hoảng, suy thoái. Đến đời Dụ Tông, chính sự càng thối nát, bọn gian thần nổi lên khắp nơi. Chu Văn An nhiều lần can ngăn Dụ Tông không được, bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua yêu. Đó là thất trảm sớ nổi tiếng trong lịch sử. Nhà vua không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ” rồi bỏ quan về ở ẩn tại núi Phương Sơn thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh (Hải Dương).

Theo thư tịch cũ thì Chu Văn An viết nhiều sách, ông đã để lại cho đời sau những tác phẩm: Hai tập thơ Quốc ngữ âm thi tập bằng chữ Nôm và Tiều Ẩn thi tập bằng chữ Hán. Theo một tài liệu nghiên cứu gần đây thì Chu Văn An còn là một nhà Đông y đã biên soạn quyển “Y học yếu giải tập chu di biên” gồm những lý luận cơ bản về chữa trị bệnh bằng Đông y. Khi ông mất, vua Trần đã dành cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu, tên thuỵ là Văn Trinh.

Năm 2018, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ khoa học về danh nhân Chu Văn An để đề nghị UNESCO phối hợp tổ chức kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020. Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài khẳng định Chu Văn An có ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục Việt Nam. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo.

Để tưởng nhớ Chu Văn An, nhiều đường phố, trường học khắp cả nước được đặt theo tên ông. Gần trường chúng ta cũng có trường chuyên Chu Văn An là nơi tập hợp rất nhiều học sinh giỏi, đạo đức tốt. Hy vọng các em cũng ra sức phấn đấu học tập theo tấm gương của thầy Chu Văn An. Cuốn sách này ngoài Thầy Chu Văn An ra thì còn có nhiều bậc hiền nhân khác như Lưu Khánh Đàm người xướng xuất việc dời đô, trạng lợn Nguyễn Nghiêu Tư, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà thông thái triết học lớn,…mời các em đến thư viện mượn đọc. Cuốn sách là tài liệu hữu ích cho các em mở rộng thêm vốn hiểu biết về các nhân vật lịch sử Việt Nam, thêm lòng tự hào và học tập noi theo.

Chuyên đề giới thiệu sách của cô đến đây là kết thúc, thân ái chào tạm biệt và hẹn các em trong chuyên mục giới thiệu sách lần sau. Xin cảm ơn.